Người dân phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang phải dùng can nhựa lấy nước nhiều ngày qua - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo đó, để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, UBND tỉnh yêu cầu các ngành các cấp tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời dự báo về nguồn nước, xâm nhập mặn; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác.

Ngành nông nghiệp và các địa phương báo cáo UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.

"Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt", văn bản nêu.

UBND huyện U Minh Thượng triển khai lực lượng bảo vệ các điểm sụt lún, sạt lở trọng điểm nguy hiểm; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác khu vực các điểm sụt lún, sạt lở trên địa bàn xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận; kiên quyết không để người dân, phương tiện vận tải hàng hóa vào khu vực sạt lở.

"Kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống quanh khu vực rạn nứt hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vùng đệm để vận động, tuyên truyền di dời đến nơi an toàn nhằm bảo vệ tài sản nhà nước và người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sụt lún, sạt lở gây ra", lãnh đạo tỉnh chỉ đạo.